Dịch Covid-19 khiến hàng triệu người lao động thất nghiệp, việc làm sau đại dịch sẽ là mối quan tâm rất lớn của Chính phủ, giới doanh nghiệp và cả xã hội.
Dịch Covid-19 khiến hàng triệu người lao động thất nghiệp. Sáu tháng đầu năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp mà Tổng cục Thống kê vừa cho biết tại Việt Nam là 2,3% (tương đương khoảng 1,7 triệu người), con số cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thế nhưng theo một số chuyên gia nhận định con số thực tế lớn hơn rất nhiều.
“Theo tôi biết con số thất nghiệp của Việt Nam công bố không tính đến khu vực kinh tế phi chính thức như những hộ gia đình, người buôn bán nhỏ , các cửa hàng cửa hiệu đăng ký ở phường thôi chứ không có đăng ký theo luật Doanh nghiệp. Chính số người bị mất công ăn việc làm ở khu vực này mới lớn. Vì vậy, tôi nghĩ con số mất việc làm và thất nghiệp thực sự trong xã hội Việt Nam tác động bởi COVID 19 cao hơn con số 2,3% đó” - TS Lê Đăng Doanh nói.
TS Vũ Đình Ánh giải thích thêm hiện tại Việt Nam chủ yếu chỉ tính tỷ lệ người thất nghiệp dựa trên thống kê người lao động đã có hợp đồng lao động chính thức, có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). TS Ánh cũng cho rằng tỷ lệ thất nghiệp được Tổng cục Thống kê đưa ra mới chỉ được tính ở khu vực kinh tế chính thức và chưa phản ánh được con số thất nghiệp ở khu vực phi chính thức.
Chính vì vậy đề tài việc làm sau đại dịch sẽ là mối quan tâm rất lớn của Chính phủ, giới doanh nghiệp và cả xã hội.
Theo viện nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI) dự đoán về xu hướng tuyển dụng toàn cầu sau đại dịch:
Một số nhóm ngành có nhu cầu nhân lực tăng:
1. Y tế và sức khỏe
Đại dịch Covid-19 khiến chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đây là nhóm ngành cần nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp y khoa tiên tiến, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng già đi, các ngành nghề trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ càng có nhiều cơ hội phát triển, dẫn đến cần sự gia tăng về nhân lực để đáp ứng nhu cầu được chăm sóc của người cao tuổi.
Ngành chăm sóc sức khỏe bao gồm cả sức khỏe về thế chất và tinh thần, các khóa đào tạo về nâng cao thể lực, dạy yoga, thiền, thực phẩm sạch…
2. Khoa học, Công nghệ
Cần nhân lực trình độ cao để vận hành, cải thiện các nền tảng dịch vụ số và tự động hóa.
Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều nhà sản xuất lớn trên thế giới đã ứng dụng công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất. Các thiết bị máy móc, dây chuyền tự động có thể giúp đảm bảo giãn cách giữa công nhân viên trong môi trường sản xuất hoặc tại điểm bán hàng. Tại nhiều quốc gia, các nền tảng dịch vụ số và thương mại điện tử cũng mang lại sự tiện lợi cho người dân. Thay vì phải di chuyển nhiều, người tiêu dùng nay đã có thể tiếp cận những trang giao dịch, mua bán trực tuyếnvà dịch vụ công ngay trên thiết bị điện tử cá nhân.
Nhờ sự phát triển của các nền tảng tự động hoá và công nghệ thông tin, nhu cầu tuyển dụng của các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật có thể sẽ tăng mạnh trong tương lai. Khi các nền kinh tế mở cửa trở lại, chính phủ và doanh nghiệp cần nguồn lao động trình độ cao để có thể tiếp tục duy trì, triển khai những nền tảng công nghệ tiên tiến.
3. Vận tải
Tăng nhân lực để đáp ứng nhu cầu mua bán trực tuyến và giao hàng của người tiêu dùng.
Sự tăng trưởng của thương mại điện tử đã tạo ra nhu cầu nhân lực cho các ngành vận tải, lưu trữ hàng hoá và quản lý chuỗi cung ứng. Khi hình thức làm việc tự do, bán thời giantrở nên phổ biến tại nhiều quốc gia, ngành vận tải hàng hoá có thể thu hút và duy trì nguồn lao động tự do qua các dịch vụ “trung gian”.
Một số nhóm ngành có xu hướng cắt giảm nhân sự
1. Bán lẻ truyền thống
Do sự phát triển của các dịch vụ mua sắm trực tuyến và giao hàng nhanh nên các ngành về bán lẻ truyền thống có nguy cơ giảm nhân sự sau đại dịch.
Với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử và ngành giao hàng trong thời kỳ dịch bệnh, mô hình cửa hàng truyền thống sẽ khó có cơ hội quay trở lại thị trường.
Thói quen mua sắm qua mạng của người tiêu dùng sẽ làm giảm nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng trực tiếp, nhân viên thu ngân hay những đại lý kinh doanh.Số lượng nhân viên chăm sóc, hỗ trợ khách hàng trực tiếp cũng sẽ bị cắt giảm do những công việc này có thể được thực hiện qua các kênh trực tuyến.
2. Dịch vụ ẩm thực
Cắt giảm nhu cầu tuyển dụng do xu hướng tự động hóa và giãn cách nhân viên trong thời dịch.
Ngành dịch vụ ẩm thực có thể sẽ giảm nhu cầu tuyển dụng nhân lực do những thay đổi trong phương pháp hoạt động. Vì nhu cầu ăn uống trực tiếp của người lao động và khách du lịch suy giảm sau đại dịch COVID-19 nên nhiều chuỗi nhà hàng đã đóng cửa một số cơ sở tại các thành phố lớn. Hơn nữa, sự phổ biến của những dây chuyền chế biến và đóng gói thực phẩm cũng khiến một số nhà hàng bắt đầu giãn cách và cắt giảm nhân sự
Hình ảnh minh họa các dãy phố ăn uống dừng hoạt động sau 18h hoặc sau 21h
3. Dịch vụ du lịch
Giảm bớt nhân công do khách hành doanh nghiệp cắt giảm chi phí di chuyển và công tác.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyến du lịch kết hợp với công việc có thể sẽ được thay thế bởi các cuộc đối thoại trực tuyến giữa cá nhân và doanh nghiệp. Do mất đi nguồn khách hàng lớn, ngành hàng không, khách sạn và dịch vụ du lịch cũng sẽ giảm bớt nhân công và nhu cầu tuyển dụng.
4. Các công việc hỗ trợ văn phòng
Xu hướng làm việc từ xa cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới các nhóm công việc khác.
Có thể giảm bớt nhân lực do xu hướng cắt giảm diện tích văn phòng để thực hiện việc làm từ xa, làm việc trực tuyến, nhu cầu thuê nhân viên lễ tân, bảo vệ, tạp vụ sẽ suy giảm.
Hình ảnh minh họa xu hướng làm việc từ xa.